top of page

[COPY MASTER #03 Final] Quá trình nghiên cứu & thực hiện "Wing of a blue roller" - Albrecht Dürer

  • Writer: Nguyen Ly
    Nguyen Ly
  • Nov 6, 2021
  • 14 min read

Updated: May 7, 2023


Xin chào mọi người, cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog của mình. Đây là bài viết tổng kết chuỗi bài copy master trước khi mình bắt tay vào làm tác phẩm nghiên cứu cá nhân. Ở bài tập này, đối tượng được thực hiện là "Wing of a blue roller" của Grand Master Albrecht Dürer. Mình mong rằng những nghiên cứu và chia sẻ từ bản thân sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các bạn ! xD

"Wing of a blue roller" - Albrecht Dürer (1512)


1 trong những bản sketch mình chuẩn bị cho bài tập.


[Chapter 1]: Tổng quan về phương pháp copy master.

Copy master là gì? Vì sao chúng ta nên bắt đầu học hội họa với copy master?

Copy master là gì?


Copy master theo nghĩa đen là sao chép các bậc thầy (Old master). Các danh họa cổ điển là hình mẫu học tập hàng đầu và lâu đời, chính thống tại các hoạ viện, cơ sở theo lối hàn lâm (Beaux-Arts). Bởi kĩ thuật biểu hiện của họ dựa trên nền tảng khoa học có cơ sở, tinh khiết, không chịu ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật hiện đại.


Copy master là phương pháp học tập, sự mô phỏng lại quá trình sáng tác của các master: quan sát, nghiên cứu, phân tích phong cách & kĩ thuật để hiểu rõ hơn về bản chất của sự vật.


Tại sao chúng ta nên bắt đầu học hội họa với copy master?


Các bậc thầy cổ điển là những người đầu tiên khám phá, nhận ra cái đẹp từ sự chân thực của tự nhiên, các tác phẩm của họ đã trở thành kho báu chung của nhân loại.


Ta học hỏi họ là một lần được học nhìn, học cách thể hiện và tư duy.


Nghệ thuật là sự kế thừa và tiếp nối. Chúng ta thực hiệp copy master chính là sự "kế thừa" nền tảng, khi vững vàng, ta mới có thể đứng vững trên đôi chân của mình.


Tầm quan trọng của một bản dessin

"Từ điển Larousse định nghĩa “dessin” (tiếng Pháp) là cách biểu diễn hình của một hay nhiều vật thể hoặc/và một hay nhiều người/động vật trên một bề mặt, chú trọng trước hết đến đường nét, hình khối, độ đậm nhạt sáng tối, hơn là màu của chúng" [1]


Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra mảng, khối, chiều sâu chỉ bằng đường nét. Bởi đường nét được hình thành thông qua quá trình nghiên cứu của người họa sĩ, trong tự nhiên không có đường nét, chỉ có khối, ánh sáng, đậm nhạt và xa gần.


Dessin bộc lộ trí tuệ và sáng tạo mỗi cá nhân họa sĩ, một bản dessin thể hiện cái nhìn chứ không phải là sao chép hiện thực.


[Chapter 2]: Quy trình nghiên cứu & thực hiện 1 bài copy master.

Self-portrait - Albrecht Dürer tuổi 26


Lý do mình chọn copy Grand master Albrecht Dürer.


Đầu tiên, mình xin được chia sẻ vài điều về Grand master Albrecht Dürer từ những tìm hiểu nho nhỏ của bản thân^^


Albrecht Dürer (1471-1528) là danh họa người Đức, lý thuyết gia về nghệ thuật nổi tiếng trong thời kì Phục hưng châu Âu. Ông là nghệ sĩ nổi tiếng nhất phương Bắc - người đã kết hợp thành công phong cách Phục hưng phương Bắc (Northern Renaissance) đầy tỉ mỉ với lý tưởng của nghệ thuật Phục hưng Ý (Italian Renaissance) về sự cân bằng, mạch lạc và tính thống nhất. Ông cùng thời kì và chịu ảnh hưởng của các các danh họa Ý nổi tiếng khác như: Raphael (1483-1520), Giovanni Bellini (1430-1516) và Leonardo da Vinci (1452-1519).


Mặc dù đã sống xa chúng ta cả 500 năm, nhưng những bản tranh khắc gỗ (woodcut print) mà Dürer thực hiện vẫn còn là tư liệu quý giá đối với lĩnh vực mỹ thuật và lịch sử nghệ thuật. Bộ ba tác phẩm khắc gỗ nổi tiếng của ông có thể kể đến là: "Knight, Death and the Devil" (1513); "St.Jerome in his study" (1514); "Melencolia I" (1514) tái hiện và đại diện cho 3 phạm vi của con người: hoạt động, chiêm nghiệm và trí tuệ.


(ảnh minh họa theo thứ tự)


Gần cuối cuộc đời, Albrecht Dürer tham gia nhiều hơn vào xuất bản các luận thuyết khoa học bao gồm "Four books on Meansurement" (1525), "Treatise on Fortification" (1527) và "Four books on Human Proportion" (1528) mà chính ông minh họa. Bởi ông tin rằng hình học là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các tác phẩm uyển chuyển và hài hòa.


Bên cạnh Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng và toán học, ông còn nghiên cứu về thế giới tự nhiên qua những tác phẩm với chi tiết tinh xảo không chỉ đúng về mặt khoa học mà còn truyền đạt được sự linh hoạt của đối tượng.

Albrecht Dürer chính là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nghệ thuật minh họa thực vật học (Botanical Illustration) & thường thực hiện với chất liệu màu nước (watercolor) cùng gouache (hay bodycolor) hoặc khắc gỗ (woodcut print).


Một số tác phẩm Botanical & Animal Illustration tiêu biểu mà ta có thể thấy là: "Young Hare" (1502), "The large piece of Turf" (1503), "Wing of a blue roller" (1512), Rhinocerus (1515),...v...v..



"Young Hare"- Albrecht Dürer (1502) - màu nước và gouache.


Tác phẩm "Young Hare" (1502) chính là một ví dụ điển hình cho các tác phẩm Botanical/Animal Illustration của Dürer:

  1. Đối tượng là loài thỏ rừng châu Âu (Lepus cuniculus) - một trong những loài động vật có bản tính nhút nhát, dễ bị kích động, chạy trốn khi bị tiếp cận ở cự li gần. Bản vẽ đã mô phỏng chính xác hình ảnh của thỏ rừng ở góc 3/4, chân sau được đưa xuống phía dưới cơ thể với chân trước đang duỗi dài ra. Ta có thể dễ dàng nhận biết thỏ rừng ở ngoài tự nhiên hay đơn giản là qua hình ảnh trên Internet sau khi quan sát bản vẽ của ông - vì nó có đầy đủ cấu trúc, đặc điểm nhận dạng của loài thỏ rừng.

  2. Nếu quan sát kĩ hơn, "Young hare" còn thể hiện được sắc thái và sự linh hoạt của loài thỏ này. Dürer đã mô phỏng lại một chú thỏ đang trong trạng thái phòng thủ, được thể hiện qua các cử chỉ của tứ chi cũng như chiếc tai đang xoay nhẹ nhàng ra trước, ánh mắt đang dè chừng như thể đang trong tư thế sẵn sàng chạy trốn.

Có lẽ, ông đã thực hiện những bản sketch ngoài tự nhiên để bắt được đặc điểm & hình dáng, sau đó là quá trình nghiên cứu đối tượng (có thể là vật sống hay đã chết) tại studio của mình.


Qua đó, ta có thể thấy rằng, một tác phẩm nghiên cứu động thực vật đều phải hội tụ đầy đủ các kĩ năng, phân tích rất kĩ càng cùng với kĩ thuật & sự am hiểu về giải phẫu.


Botanical & Animal Illustration cho những bước đi đầu tiên.


"The large piece of Turf" - Albrecht Durer (1503)


Botanical/Animal Illustration có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học: Một bản minh hoạ thực vật bao gồm nhiều thông tin và chu kì sống của loài đó - điều đặc biệt mà máy ảnh không thể thực hiện được. Bản vẽ nghiên cứu động thực vật ngoài ra còn thể hiện khả năng tư duy của con người trước tự nhiên, mà ở đây cụ thể là người họa sĩ. Đó chính là lí do tại sao Botanical/Animal Illustration vẫn có giá trị đến ngày nay, trên những cuốn sách chính thống.


Một chút thông tin tới cho mọi người, hiện các bạn có thể xem hoàn toàn miễn phí sách minh họa động thực vật tại Thư viện văn hóa Pháp - Bibliothèque de L'espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối sách minh họa khổ A2 siêu to khổng lồ từ Tashen luôn được ưu ái đặt trên kệ riêng của thư viện ^^. Các bạn ở Hà Nội nhớ ghé qua khi dãn dịch nha!!! (mình cũng rất hay cắm ở đây hehe xD ).

Quay trở lại với câu chuyện, riêng đối với cá nhân mình là một người bước đầu học tập, nghiên cứu, theo đuổi nghệ thuật. Sau quá trình tìm hiểu & thực hành, mình nhận thấy rằng, khi bắt đầu trên con đường hội họa, cụ thể hơn là với chất liệu màu nước, Copy master hay thực hành nghiên cứu thiên nhiên là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Botanical/Animal Illustration đòi hỏi nhiều kĩ năng quan sát, phân tích và đối chiếu đối tượng một cách nghiêm túc cũng như khả năng dessin nhưng yêu cầu về kiến thức giải phẫu (Anatomy), cấu trúc (Structure) từ lúc bắt đầu không quá cao. Anatomy của thực vật hay động vật đơn giản hơn người rất nhiều.


Kết thúc chuỗi bài copy master này, bản thân mình nhận thấy đây là một khởi đầu chắc chắn, là nền tảng cho việc tiếp tục nghiên cứu hội họa, giúp mình rèn luyện sự kiên trì, tập trung cao độ - điều mà trước giờ là điểm yếu của mình cũng như nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức nền trước đó của bản thân.


Cuối cùng, về lựa chọn copy Grand master Albrecht Dürer.


Grand master Albrecht Dürer là một trong những người tiên phong minh hoạ khoa học động thực vật, cùng với những công trình nghiên cứu về khoa học, con người của chính ông, cũng như những phân tích của mình trước đó chính là lí do chính đáng nhất cho lựa chọn này. Sau khi thực hiện copy "Wing of a blue roller", cá nhân mình đã vỡ ra được rất nhiều điều và hiểu được một phần tại sao Albrecht Dürer vẫn được lưu truyền sau hàng trăm năm. Chúng ta nên bắt đầu và học tập từ các bậc thầy - những người tiên phong bởi nghệ thuật còn là sự kế thừa và phát huy.


sự kĩ càng của "Rhinocerus" cả về cấu trúc, đặc điểm - Albrecht Dürer (1515) - khắc gỗ.


*Các bạn có thể truy cập trang web này để tìm hiểu thêm về cuộc đời, quá trình nghiên cứu và phân tích tác phẩm của ông: https://www.albrechtdurer.org/


Đôi điều về tác phẩm "Wing of a blue roller"(1512) - Albrecht Dürer.

Tác phẩm "Wing of a blue roller" được thực hiện khoảng năm 1512 với chất liệu là màu nước, màu gouache & highlight bằng nhũ vàng trên nền da bê (vellum).


* Mình có tìm được một video khá hay về quy trình tạo ra một tờ vellum (hay parchment) tại: https://www.youtube.com/watch?v=KchdBfAK2aw


"Wing of a blue roller" là bản nghiên cứu động vật (Animal Illustration) mang màu sắc rực rỡ đi trước thời đại của Albrecht Dürer. Nó gắn kết chặt chẽ với bức vẽ "Dead bluebird" (1512) khi cả 2 bản vẽ đều nghiên cứu cùng một đối tượng - loài chim Sả châu Âu (European Roller hay Coracias garrulus). Mẫu vật là một chú chim Sả rừng đã chết, được ông vẽ tại studio.



Hiện, cả 2 tác phẩm đều được trưng bày trong bảo tàng Albertina tại Vienna,Ý:(https://www.albertina.at/en/).


_____________________________


Lý do đầu tiên mình chọn "Wing of a blue roller" là bởi sự hấp dẫn của màu sắc, nhất là những màu xanh ấn tượng trên phần lông vũ.


Thứ hai, chính là sự đầu tư và kĩ thuật dessin chỉn chu của Albrecht Dürer. Thật khó để biết rằng đây là một bản study của ông cho một tác phẩm khác mọi người nhỉ? Nó hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm độc lập ấy!!


Về cụ thể, mình sẽ nói rõ hơn qua phần tutorial mà mình thực hiện tiếp theo nha ~


Họa cụ mình sử dụng.

Từ trái qua phải: tẩy đất sét Holbein, chì Cretacolor Graphite & chì Koh-I-Noor Hardtmuth


Ở bản Dessin:

- Giấy: Leyton 100% cotton (hotpress) 300gsm size 39x27cm.

Mọi người nên sử dụng giấy 100% cotton cho một bản dessin hoàn chỉnh nha, giấy sẽ ăn chì & chồng nét tốt hơn, bản vẽ cũng được mịn màng hơn.


- Bút: chì Cretacolor Graphite & Koh-I-Noor Hardtmuth HB, B, 2B, 4B, 6B. Mình thường chuốt nhọn & mài giấy ráp 2-3 cây cùng một độ đậm để tiết kiệm thời gian lúc vẽ ^^.

Mình sử dụng bút Monami plus pen để phác thảo nhanh, phối hợp được với nước, giá vừa túi tiền cho các bạn mới bắt đầu chỉ 11k/cây xD.


- Một số đồ dùng khác như: tẩy đất sét (để lấy sáng, không dùng để tẩy xóa).



Trong bản màu nước:

- Giấy: Arches hotpress 300gsm size (39x27cm).


- Màu: Schmincke Horadam (SH), Holbein (H), Daniel Smith (DS), Sennelier.


- Bảng màu của mình cho bài tập này, bao gồm:

+ Phần nền: Buff Titanium (DS); Gold Ochre (W&N professional).

+ Đối tượng chính: Antique White PW6 (Holbein Irodori); Naples Yellow (SH); Turquoise Blue (H); Cobalt Blue (Sennelier); Phthalo Green (DS); Violet (H); Burn Sienna (SH); Sepia Brown (SH); Black (SH), để mix màu thì mình sử dụng Neutral Tint (H).

+ Và 1 số màu chiếm diện tích nhỏ như Lemon Yellow (SH); Carmine (SH).


- Cọ: Nevskaya Palitra (Kolinsky sable) size 2 & 00; Happy Aquarelle size 6; cọ Trung "Cẩm Lý" - Welkin Văn Lang size S.


Mình đề xuất mọi người dùng cây Nevskaya Palitra cho những chi tiết nhỏ đến rất nhỏ. Cọ được làm từ lông thú nên ngậm nước tốt dù ở kích cỡ bé, đáp ứng khá ổn nhu cầu của mình hiện tại. Cả nhà chú ý giữ lại phần nắp để bảo quản nha ^^.


Ngoài ra còn một số dụng cụ bổ trợ khác như: keo chặn màu (masking fluid), giấy can, giá vẽ, bút màu, bảng hắt sáng...


Kỹ thuật mình học hỏi và sử dụng trong bản Copy Master.

(Work in progress copy master Albrecht Dürer)


Albrecht Dürer sử dụng kỹ thuật chính trong bản vẽ này là vẽ nét điểm màu. Theo mình quan sát thấy, có 2 kỹ thuật chủ yếu là vẽ nét song song tạo tone value không đổi hướng (hatching) và chồng layer & đảo hướng (cross hatching). Có thể nói rằng, đây là 2 kĩ thuật cơ bản trong những tác phẩm và nghiên cứu của ông.


Trong bản dessin, mình chủ yếu thực hiện hatching và cross haching và điều chỉnh lại sắc độ bằng cách phủ các lớp chì lên trên cùng.


Còn ở bản màu nước, mình sử dụng thêm kĩ thuật láng màu (glazing) & nhấn sáng bằng màu trắng.


Áp dụng vào từng công đoạn


1 - Đầu tiên, mình thực hiện phác thảo (sketch) đơn giản bằng bút màu ưa thích bao gồm cấu trúc xương & thông tin rất cơ bản của các lớp lông.


Chú ý: Bản sketch của mình chỉ là ghi chép nhỏ, dùng để nhận biết cấu tạo và chưa có sự chính xác về tỉ lệ.



Chim sẻ rừng châu Âu (họ Coraciidae)

Lớp: Aves (bao gồm cả sẻ, quạ,..) nên chúng có cấu tạo hình dáng lông tương tự nhau.

Kiểu dáng: cánh hình elip (Elliptical Wing).

Cánh gồm: 3 lớp lông với 2 loại lông là lông bay chính (feathers) và lông bay thứ cấp (coverts).


2 - Bản sketch thứ 2 trên giấy A3 mình sử dụng chì & chì màu.



3 - Mình thực hiện thêm 1 bản sketch thứ 3 & can bài lên giấy Leyton 100%, bắt đầu tiến hành làm bản dessin:



Ban đầu, mình mong muốn tăng khả năng ước lượng tỉ lệ đối tượng nên tiến hành sketch và can trên giấy màu nước, từ từ chỉnh lại tỉ lệ khi can, không thực hiện phương pháp kẻ ô truyền thống (grid methods). Nhưng, để tỉ lệ và bố cục được chính xác nhất mọi người nên tìm hiểu và áp dụng phương pháp này nha!


Cả bản dessin và bản màu mình đều thực hiện chung 1 quy trình và kĩ thuật như sau:


(1) Lên lớp ranh giới sáng tối tổng thể.

(2) Lên chốt các phần đậm.

(3) Lên tương quan sáng tối lớn. Sau đó thực hiện các phần tương quan sáng-tối ở từng phần.

(4) Tiến hành làm chi tiết mỗi lông một: chuyển êm phầm tối - trung gian. Lấy sáng phần gân và ranh giới giữa các lông (để phân biệt).

(5) Lấy sáng highlight cho phần texture, chuyển êm trung gian-sáng, vẽ màu vào các kẽ sáng.

(6) Glazing 1 số phần để điều chỉnh độ (value) và nhấn thêm màu.



Ở những công đoạn cuối, mình glazing màu sáng lên màu đậm để tạo sắc khác/ value như: phần bắt sáng lớp lông vũ chính màu đen; glazing màu Naples Yellow trên phần cánh thứ cấp xanh turquoise;…


Glazing lớp màu violet (H) trên cùng để nhấn sắc ở bước cuối


Texture chủ yếu mình chải theo khối, hướng mọc của lông.




Bản dessin copy after Albrecht Dürer

Thời gian hoàn thiện: ~ 20 giờ.


Ngoài ra, mình còn sử dụng Buff Titanium (DS) và Gold Ochre (W&N professional) để mô phỏng lại màu nền giấy (màu của vellum rất xinhh xD) . Sau đó, mình lót 1 lớp giấy can để tránh việc dây màu ra nền.


Bản màu nước copy master Albrecht Dürer

Thời gian hoàn thiện: 50+ giờ.


Cận cảnh chi tiết:




Thời gian hoàn thành bài tập (bao gồm cả dessin và màu) : 2 tháng có lẻ xD (30/8 - 31/10/2021).


Những bài học quý giá

Một số bài học nho nhỏ mà mình nhận được, xin chia sẻ tới mọi người^^ :


Về bố cục:

Một phần cánh trái được đặt ngay ngắn chính giữa khổ giấy, bố cục tổng thể hình thang, không xuất hiện yếu tố biểu cảm trực tiếp (thường được thể hiện qua chân dung), vậy, ngoài sự tinh xảo, màu sắc đẹp, tại sao nó vẫn hấp dẫn?


Theo mình, đó là do một phần từ các đường dẫn tự nhiên của chính nó:

1 - Những lớp lông bay chính & thứ cấp nằm trên trục ngang, chạy theo hai hướng xuôi dần xuống phía dưới, tỉ lệ cân bằng.

2 - Với điểm nhấn là lớp lông che đi phần gốc cánh (Scapulars) nằm trên trục thẳng đứng, đồng thời là sự lặp lại của đường dẫn lớn trước đó, còn có 1 phần lông tơ nhỏ chạy theo hướng đối lập tổng thể.


Về hình thể:

Phần cánh hơi mở ra, không dang rộng cũng không khép hẳn, cánh hơi rủ xuống tạo cảm giác uyển chuyển & thoải mái.

Bản thân mình thấy rằng đó là một góc nhìn rất thú vị: động tác có lẽ để chuẩn bị bay, mà cũng có thể là một sự khởi đầu nào đó.


Về đường nét:

Đây là điều hấp dẫn mình đầu tiên, khiến mình quyết định chọn copy lại tác phẩm này. Đường nét mang sự đặc trưng của dessin: nét mảnh, kích thước, khoảng cách linh hoạt.


Kĩ thuật chính nhất được sử dụng là hatching, chỉ với một kĩ thuật, nhưng hiệu quả rất phong phú. Các lớp lông mang lại cảm giác về chất liệu rất riêng biệt, thể hiện rõ nét đặc điểm của đối tượng: Phần lông bay chính dài, cứng, trong khi lông bay thứ cấp là phần lông tơ mỏng nhẹ. Bên cạnh đó, lớp lông Scapulars cũng thuộc lông tơ, nhưng lại mang cảm giác dày dặn hơn....



[Chapter 3]: Tổng kết.


Chúng ta đều biết học tập từ tự nhiên là một trong những điều cơ bản quan trọng trong quá trình rèn luyện, sáng tác. Mình mong rằng, qua những chia sẻ & trải nghiệm cá nhân ít ỏi của mình, mọi người sẽ phần nào trả lời được câu hỏi "Vì sao chúng ta nghiên cứu thiên nhiên?" hay "Vì sao chúng ta nên copy các bậc thầy?"


Sau hành trình copy master liên tục dài bốn tháng (Tháng 6 - tháng 10 năm 2021), với mục đích ban đầu là rèn luyện kĩ năng sử dụng màu nước, mình học hỏi được nhiều hơn đã nghĩ. Mọi người hãy thử trải nghiệm phương pháp này nhé, dù với bất kì chất liệu nào: chì, than, màu nước, sơn dầu..v...v hay là các chất liệu hiện đại như vẽ trên máy (digital art). Bởi, "copy master" không dừng ở việc sao chép hay bắt chước, nó còn là sự lắng lại để học nhìn và rất nhiều điều khác mà chỉ khi ta bắt tay vào làm mới có thể cảm nhận được rõ nét ^^.


Cá nhân mình, ở bài tập cuối cùng này, lần đầu tiên mình đã trải qua rất nhiều cảm xúc hệt như làm một tác phẩm cá nhân: từ lo lắng, căng thẳng đến vui mừng và nhẹ nhõm lúc hoàn thành.


Mình cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã theo dõi và đồng hành cùng mình trong chuỗi bài copy master đầu tiên^^, một trong những động lực nhỏ giúp mình tiếp tục theo đuổi hội họa ❤️


Đặc biệt, em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới thầy Nguyễn Ngọc Quân - người đã chỉ dẫn và dìu dắt em trong thời gian vừa qua. Những kinh nghiệm mà em học hỏi được từ thầy đều là vô giá.


------------

Tài liệu tham khảo:

[1] Hs.Nguyễn Đình Đăng, Dessin là gì? (2020).

[2] theartstory.org, Albrecht Dürer.

[3] albrechtdurer.org, Wing of a blue roller, Dead bluebird, Young hare.

[4] Zoe Bray, Copying Master Paintings Part 1: A Conversation with Daniel Graves

[5] Jonny Yacker, Practical copyists of Old Masters: the value of copy in arts (artuk.org, 2012).

[6] Emma Taggart, What is Botanical Illustration? Learn about the history of this scientific art form



© Ly Nguyen, 2021 - Bạn đọc có thể lưu giữ bài viết này để sử dụng cho cá nhân mình hoặc chia sẻ nguyên văn và miễn phí trên Internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại..v..v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.



Thank you for your visiting !


------------------------------------------------------------------------------------------------

Contact me at:

Email: ly.artist239@gmail.com

FB: Ly Khanh

IG: lyk.artist








Comments


z2514257760668_760b3f0b23ddb3e40bad21457

Hi! Thanks for stopping by

Xin chào! Mình là Ly. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của mình. 

Let the posts
come to you.

Thanks for submitting!

  • Facebook
  • Instagram
  • Twitter
  • Pinterest

Contact me for work

Thanks for submitting!

© 2021 by Turning Heads. Proudly created with Wix.com

bottom of page